Độ cỡ lốp, nên và không nên

Lên lốp kích cỡ lớn là một trào lưu rất được quan tâm của giới độ xe, đặc biệt là xe môtô phân khối lớn, nhưng rất nhiều người chỉ độ cho đẹp mà không mấy quan tâm sự ảnh hưởng đến khả năng vận hành.

 Độ lốp với kích cỡ to hơn nguyên bản khiến chiếc xe trông ngầu hơn, nhưng phía sau nó phải đi kèm nhiều yếu tố kỹ thuật liên quan
Lốp xe là phần tiếp xúc trực tiếp giữa chiếc xe và mặt đường, nhiệm vụ của nó là giúp tạo ra lực ma sát nhằm giúp xe bám chặt lấy mặt đường để có thể vận hành ổn định cũng như giúp dừng lại mỗi khi tác động vào phanh. Lựa chọn một cặp lốp tốt có rất nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố chủ chốt đó là: chất liệu làm lốp, hoa văn mặt lốp và độ kín khi lắp với vành.
Chất liệu làm lốp quyết định tới 70% độ bám đường của lốp, 20% là hoa văn mặt lốp và 10% còn lại là độ bám vào vành. Vật liệu làm lốp thường là dạng cao su tổng hợp có độ co dãn tương đối tốt và chịu đàn hồi tốt. Với lốp mềm thường có độ bám tối ưu, ma sát cực tốt, tuy nhiên rất nhanh mòn và phải thay thế nhiều. Tốc độ của xe khi lắp lốp này hầu như chỉ là tương đối, trong khi lốp cứng có thể giúp xe đạt tốc độ cao hơn, lâu mòn hơn và nhẹ hơn nhưng lực bám kém hơn.
Tùy thuộc theo nhu cầu chạy xe mà người dùng có thể lựa chọn loại lốp. Nhưng có một nguyên tắc là tất cả mọi lốp đều phải đảm bảo độ khít với vành 100% nếu không lực sinh ra sẽ khiến vành xe quay và mài hỏng tanh lốp khiến chiếc xe mất bám, nổ lốp hay khó hoạt động. Hoa văn lốp được căn cứ lựa chọn vào tình trạng mặt đường mịn, nhiều cát hay chạy off-road để lựa chọn. Với đường đua có thể chọn lốp nhẵn, đường ướt hay hỗn hợp có thể dùng hoa văn chìm hay lốp “chân chó” với đường off-road.
Lốp độ đúng kích thước, chủng loại luôn tạo ra vẻ đẹp cân đối và đồng nhất cho chiếc xe, lại đảm bảo an toàn 
Việc lên lốp cỡ lớn thực chất chỉ nên thực hiện sau khi lựa chọn loại lốp phù hợp. Thường các nhà sản xuất xe đã tính toán đầy đủ các điều kiện hoạt động cũng như nhu cầu của từng thị trường hướng đến để đảm bạo độ an toàn tối đa cho người sử dụng. Do sở thích hoặc nhu cầu phát sinh nên việc độ lốp bỗng nhiên trở thành một trào lưu, đặc biệt là trào lưu này rất phát triển ở Việt Nam.
Độ lốp lớn hơn giúp tăng thêm lực bám, tăng dáng vẻ cho chiếc xe cũng như giúp giảm một số chi phí nhỏ mà một số loại lốp nguyên bản không thể làm được. Tuy nhiên việc độ lốp lớn cũng có những nhược điểm nhất định.
Lốp lớn khiến chiếc xe phải mang thêm 1 lượng hơi lớn hơn từ 20-35% làm tăng trọng lượng riêng đáng kể. Kích thước bánh xe tăng lên cả về đường kính lẫn bề ngang khiến cho mọi thông số của bộ đọc tốc độ mà nhà sản xuất đã tính toán bị sai lệch, trong một số trường hợp sẽ dễ dẫn tới vi phạm tốc độ mà chủ xe không hề hay biết. Chưa kể độ lốp lớn còn có một số nhược điểm như khiến cho chiếc xe bị ì khi tăng tốc, cạ gắp sau gây mòn bên hay thậm chí cạ thẳng vào xích gây tuột xích rất nguy hiểm khi xe đang chạy nhanh.
Lốp độ quá cỡ nhìn thì rất đẹp nhưng sẽ gây sai lệch rất nhiều trong vận hành xe 
Việc lên lốp quá cỡ quy định còn khiến cho xe hoàn toàn không bám hơn so với nguyên bản, thậm chí còn gây trượt ngã nguy hiểm trong nhiều tình huống. Một số dòng xe lên lốp quá cỡ nhìn trông rất xấu và gây mất thẩm mĩ, thậm chí một số xe còn cạ cả lốp vào chắn bùn sau do lên lốp quá cõ mà không nâng cấp các hệ thống liên quan khác.
Một số người thậm chí còn nâng cấp cả vành của dòng xe phân khối lớn hay kích thước ngoại cỡ đi cùng với gắp sau để tăng dáng vẻ cho chiếc xe. Điều này không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến cân bằng động của xe mà còn gây nguy hiểm trong quá trình vận hành do kết cấu tổng thể bị phá vỡ. Lý do vì các sai số vận hành sẽ là vô cùng lớn, chưa kể chất lượng của những bộ phụ kiện này không đồng dều với chiếc xe sẽ gây ra tai nạn nếu chẳng may nứt gãy hay hư hại. Những bộ phụ kiện này tuy rất đẹp nhưng sẽ làm giảm khả năng lái, chưa kể khiến phanh xe phải chịu một áp lực lớn hơn rất nhiều do trọng lượng tăng, lâu dần sẽ dẫn đến bó phanh đột ngột rất nguy hiểm.
 Lốp quá cỡ không chỉ gây nặng xe, khó lái mà còn gây nguy cơ cạ vào gắp
Việc lên lốp còn khiến động cơ phải vận hành thêm 10-20% tải so với thông thường khiến động cơ nhanh nóng hơn, hao mòn lớn hơn và nhanh phải bảo dưỡng hơn so với nguyên bản. Một số loại xe hiện đại sử dụng các công nghệ điện tử đồng nhất sẽ gặp lỗi nếu như không có sự can thiệp điện tử từ các nhà nâng cấp chuyên nghiệp.
Mặc dù nhược điểm là rất nhiều nhưng vì lý do thẩm mỹ nên rất nhiều tay chơi Việt vẫn bất chấp để độ cho chiếc xe trở nên đẹp và hầm hố hơn.
Nhà sản xuất khuyến cáo mỗi chiếc xe chỉ nên tăng tối đa 2 cỡ kích thước bề ngang và không nên tăng kích cỡ đường kính lốp để đảm bảo độ an toàn cũng như không xảy ra sai số với xe nguyên bản. Đồng thời cần lựa chọn khoảng cách phù hợp để lốp xe không chạm xích. Nên lựa chọn loại lốp tốt với công nghệ tốt, độ bám đường và bám vành cao.
Việc độ chiếc xe đẹp là mục tiêu của rất nhiều người, tuy nhiên không nên vì đẹp mà ảnh hưởng đến sự hoạt động ổn định của chiếc xe cũng như an toàn của chính bản thân khi vận hành ngoài đường.
Độ cỡ lốp, nên và không nên ảnh 5
 Lốp lên 1-2 cỡ là đẹp và hợp với chiếc xe, vừa đảm bảo an toàn
Độ cỡ lốp, nên và không nên ảnh 6
 Độ theo phong cách "râu ông nọ cắm cằm bà kia" có thể rất ngầu nhưng sẽ không đảm bảo an toàn cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn do nhà sản xuất đưa ra.
Độ cỡ lốp, nên và không nên ảnh 7
 Độ lốp trơn chỉ sử dụng cho đường đua và rất không thực tế với điều kiện giao thông đường phố Việt Nam
Độ cỡ lốp, nên và không nên ảnh 8
 Lốp sau quá lớn sai cả về kích thước lẫn chủng loại sẽ khiến chiếc xe nhìn rất "thô" và mất cân đối
 
Lê Anh
Độ cỡ lốp, nên và không nên Độ cỡ lốp, nên và không nên Reviewed by Unknown on 12:55 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.